Lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump đã được phát hành, và kết quả không hề tệ như lo ngại ban đầu
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký Sắc lệnh Hành pháp (“EO”) như đã được thông báo, đây là “Tuyên bố tạm cấm nhập cảnh đối với những người nhập cư là rủi ro cho Thị trường Lao động Hoa Kỳ trong Quá trình Phục hồi Nền Kinh tế sau Đại dịch Covid-19.” Tuyên bố này sẽ có hiệu lực vào 11:59 giờ tối thứ Năm, ngày 23 tháng 4 năm 2020 theo Giờ miền Đông (ET), và sẽ đình chỉ mọi hoạt động nhập cảnh của những cá nhân đang có ý định nhập cư vào Hoa Kỳ, những người:
Đang ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ vào ngày có hiệu lực đã được tuyên bố;
Không có thị thực nhập cư hợp lệ vào ngày có hiệu lực; và
Không có giấy thông hành hợp lệ (chẳng hạn như thư vận chuyển, thẻ lên máy bay hoặc giấy phép ra nước ngoài được quay trở lại Hoa Kỳ) vào ngày có hiệu lực và được ban hành trước khi Sắc lệnh được tuyên bố.
Mặc dù bài tweet của Trump vào ngày 20 tháng 04 đưa ra tuyên bố về việc tạm ngưng tất cả các hoạt động nhập cư vào Hoa Kỳ, Sắc lệnh Hành pháp này đã không đạt được mục tiêu đặt ra, vì nó đã bào gồm hàng loạt các trường hợp ngoại lệ vô cùng quan trọng. Trong danh sách những người có ý định nhập cư được miễn trừ khỏi sắc lệnh, ta phải kể đến:
Nhân viên y tế và vợ/chồng, con cái của họ
Nhà đầu tư nhập cư EB-5
Vợ/chồng của công dân Hoa Kỳ
Con cái dưới 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ
Những người có visa EB-2 Miễn trừ vì Lợi ích Quốc gia
Các công dân nước ngoài đã được cấp thị thực nhập cư trước ngày EO có hiệu lực nhưng chưa có cơ hội nhập cảnh vào Hoa Kỳ, cũng như những người đã được cấp thẻ xanh nhưng hiện còn đang ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ đều sẽ được tính vào trường hợp ngoại lệ của Sắc lệnh Hành pháp. Tuy nhiên, điều quan trọng là người nhập cư cần phải nắm rõ được rằng thẻ xanh của họ có “hiệu lực” như thị thực nhập cư và có thể dùng để nhập cảnh vào Hoa Kỳ, và tất cả những người đã vắng mặt khỏi Hoa Kỳ hơn 1 năm nên tìm gặp các luật sư di trú có thẩm quyền để được tư vấn về trường hợp của mình.
Một điều quan trọng khác cần phải được nhấn mạnh là EO chỉ được áp dụng cho những người đang muốn được cấp thị thực nhập cư, trong thời điểm hiện tại, sắc lệnh này chưa được áp dụng cho các đương đơn của thị thực không nhập cư, chẳng hạn như thị thực du lịch B-1/B-2, thị thực du học sinh F-1, thị thực thuyên chuyển nhân viên trong nội bộ công ty L-1, và thị thực nhà đầu tư theo hiệp ước E-2. Tuy nhiên, tuyên bố này yêu cầu rằng trong vòng 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ An ninh Nội địa (“DHS”) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ phải xem xét tất cả các chương trình thị thực không nhập cư và gửi lên Tổng thống các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ và giúp đảm bảo được “việc ưu tiên, tuyển dụng và công ăn việc làm” của người lao động Hoa Kỳ.
EO sẽ hết hạn sau 60 ngày kể từ thời điểm được đưa vào hiệu lực và có khả năng sẽ được gia hạn trong trường hợp cần thiết. Trong vòng 50 ngày kể từ ngày có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Lao động, DHS và Bộ Ngoại giao sẽ gửi khuyến nghị lên Tổng thống Hoa Kỳ để quyết định xem liệu có nên tiếp tục gia hạn hoặc sửa đổi tuyên bố này hay không.
Xét về thực tế, hiệu quả mà EO này đem lại trong thời điểm này là không đáng kể, khi mà các đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ trên khắp thế giới vẫn đang ngừng cấp thị thực nhập cư và không nhập cư, ngoại trừ cho các trường hợp thực sự khẩn cấp, và vẫn sẽ tiếp tục như vậy trong khoảng thời gian tới. Hiện giờ, mối lo ngại chính của nhiều người là một khi EO đã được áp dụng, sắc lệnh này sẽ tiếp tục được gia hạn nhiều lần, vượt quá mọi nhu cầu thiết yếu để bảo vệ quốc gia khỏi đại dịch virus hoặc để phục tình trạng thiếu việc làm của công dân Hoa Kỳ.
Đáng tiếc thay, thông báo của Tổng thống Hoa Kỳ và hành động theo sau của ông hoàn toàn không phải là một điều bất ngờ. Trước hàng loạt những câu hỏi và lời chỉ trích ngày một gay gắt về cách xử lý khủng hoảng COVID-19, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Tổng thống Hoa Kỳ phải viện đến các hành động sao lãng, đùn đẩy trách nhiệm, làm dấy lên nỗi sợ hãi trong cộng đồng, đồng thời cũng tiếp tục chiều theo những người ủng hộ như là một ví dụ khác về diễn đàn chống nhập cư của vị Tổng thống đương nhiệm
ENTERLINE & PARTNERS